Phòng tranh CYRIL KONGO – 10h49

Mọi người ơiiiii,

Trời ơi mình vui quá nên mình quên cả chào hỏi luôn :3 Mình phải viết lại trải nghiệm đặc biệt này ngay trước khi quên mất ~~

Hôm nay Hà Nội trở lạnh, gió mùa hối hả tràn về từ chiều tối hôm qua. Cảm nhận về gió rõ ràng nhất khi đi xe máy, và khi nhìn thời trang của người qua đường. Trời lạnh, không thèm có người yêu, mà nhớ nước Pháp ghê.

Sáng nay, mình định không ra khỏi nhà. Nhưng có cái gì cứ thôi thúc, buộc mình rũ bỏ cơn lười mà (lại) bò lên Tràng Tiền. Lúc đi bộ từ Nhà Hát Lớn, mình nhìn thấy phòng tranh Cyril Kongo đang vắng, nhớ lại bạn bảo miễn phí vé vào, bèn rụt rè đẩy cửa hỏi em vào xem tranh có được không ạ. Và mình đã không hề thất vọng.

Mình nghĩ buổi sáng hôm nay giống như định mệnh vậy. Mình đã xịt mùi nước hoa ấm hơi hơi ngọt mà gần đây rất thích (Le Couvent des Minimes mùi Porto Bello), cột tóc cao, pha trà vào bình giữ nhiệt, đeo món phụ kiện mà mình thích, tô màu son đỏ số 36 Givenchy mà tự mình thấy đặc chất Pháp, để đến khu phố nhiều chất Pháp nhất cả Hà Nội này. Với một tâm thế rất français, mình đã bước chân vào phòng tranh của một artiste français và tận hưởng không khí nghệ thuật extrêmement français.

Các tác phẩm được trưng bày rất đa dạng, có tranh, có cả vật phẩm như khăn Hermès, hay bình xịt graffiti, hay túi Channel. À, không thể quên được hộp giữ ẩm xì gà nữa. Ở mỗi tác phẩm, người ta dán code QR, mình cực kỳ chân thành khuyên bạn nên quét mã và dành chút xíu thời gian đọc thông tin. Chúng mình có thể quét bằng camera của iPhone hoặc app Zalo nhé. Phòng tranh cũng có wifi miễn phí cho người tham quan luôn. 

vtv.vn
Credit: vtv.vn

Ngay khi vừa bước vào, bạn sẽ gặp bức COCO, một tác phẩm tri ân Coco Channel, người phụ nữ làm thay đổi ngành thời trang toàn thế giới, một người mạnh mẽ và độc lập. Lúc đó mình chưa cảm nhận được gì lắm. Nếu bạn cũng như mình, đừng vội đi về, hãy mạnh dạn tham quan thêm rồi quay lại từ đầu nhé.

Sau đó mình đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Không có cách nào, bởi tác phẩm 5h47 & KONGO 18 SANS TITRE hút mắt mình ngay lập tức. Mình đã dành thật nhiều thời gian ở chỗ này, trong giây phút tưởng chừng mình có thể khóc ngay lập tức, dù miệng vẫn nở nụ cười. Nhìn vào đó, mình cảm giác quay lại bến métro ở Paris, nơi dòng người lúc nào cũng hối hả, đôi khi văng vẳng tiếng nhạc-xập-xình-mà-tụi-con-trai-lớp-mình-rất-thích (cái dòng nhạc mang âm hưởng Châu Phi và hiphop nhưng bằng tiếng Pháp ở Pháp – mình điếc nhạc á nên mình tự gọi như vậy, mình hông có biết tên ạ). Đôi chỗ trong bến métro sẽ có vệt graffiti, đôi chỗ có mùi khó ngửi. Đôi chỗ có nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Tất cả, gộp lại thành hình ảnh bến métro ở Paris. Không phải ở Pháp. Ở Paris.

Mình không biết ligne 4 có ý nghĩa đặc biệt gì với bác Cyril Kongo hay không, nhưng với một đứa đang rất nhớ nước Pháp thì tác phẩm này thật hoài niệm. Từ cái biển Porte d’Orléans tới bảng chỉ dẫn các trạm dừng, cả hai đều cho mình một không khí về Pháp, đặc sánh. Không gì có thể Parisien với mình hơn thế, ở Hà Nội này.

122485689_160552889063117_2927451691749924788_o
COCO
120174534_151817443269995_2417951228535272809_o
5h47 & KONGO 18 SANS TITRE

Thậm chí, ngay khi quay qua trái, đập vào mắt mình không phải bức FASHION WEEK mà là bức PARIS MESSI bởi nó như một bước chuyển tiếp nhịp nhàng từ 5h47 vậy. PARIS MESSI nói về cuộc biểu tình Gilets Jaunes, khi bác Cyril Kongo đang làm việc tại studio của Karl Lagerfeld và nhìn thấy đoàn biểu tình từ cửa sổ. Lúc ấy trong đầu mình đã thốt lên: “Ồ” vì tính phù hợp, sự hợp lý không cách nào mô tả được. Mình không chắc cách diễn giải của mình có chính xác với dụng ý của bác tác giả hay không, nhưng là một người dính phải hai lần biểu tình/bạo động ở Pháp, mình chỉ có thể nói rằng cảm xúc tác phẩm đưa cho mình rất thật, thật đến nỗi đánh thẳng vào ký ức ngày đó.

Trong lúc viết bài này, khi lên mạng tìm kiếm thêm thông tin, mình nhận ra trong 2 tháng phòng tranh mở cửa, đã có một số tác phẩm được bán hoặc thay đổi. Tuy vậy mình đã rất thỏa mãn với hành trình khám phá hôm nay.

Phòng tranh có một màn hình TV lớn chiếu phóng sự về các dự án hợp tác của nghệ sĩ Cyril Kongo. Mình mới chỉ kịp xem phóng sự về La Cornue, hãng sản xuất bếp xịn xò nhất đất nước hình lục lăng. Dù thế, mình đã kịp hiểu thêm thật nhiều về bác, về phong cách của bác. Mãn nguyện thật sự.

Nếu bạn có bao giờ tham quan một phòng tranh, đừng ngại ngần nói chuyện với những nhân viên ở đó, bởi họ được đào tạo rất kỹ lưỡng và biết rất rõ về từng tác phẩm. Hôm nay mình thấy có 3 nhân viên, hai anh cao to lắm nên mình ngại, mình đã bắt chuyện với chị nhân viên và học thêm thật nhiều thật nhiều thứ hay ho. May mắn sao, chị thật yêu thích các tác phẩm nên trong lúc nói chuyện mình còn được nghe thêm quan điểm từ phía chị – một người xem tranh nữa. Đôi lúc thấy may vì mặt đủ dày hì hì. 

Đã rất lâu rồi mình mới được thả lỏng và để bản thân trôi trong nghệ thuật như vậy. Thú thật là ở Hà Nội không có mấy nơi cho mình cảm giác như thế, hoặc mình đi chưa đủ nhiều. Phòng tranh rất sáng, cả nhờ đèn lẫn ánh sáng tự nhiên, cộng thêm tông nền trắng xám đen xen, nên có lúc mình tưởng như được quay lại Pháp, ngồi trong bảo tàng thẩn thơ ngắm nhìn. Càng xem, mình càng cảm nhận được rõ hơn nhứng dấu ấn trong phong cách của bác Cyril Kongo cũng như nét văn hóa Pháp, trải nghiệm ở Congo trong 4 năm (chị nhân viên kể cho mình đó) qua các tác phẩm. Trải nghiệm cuộc sống phong phú làm tác phẩm có thêm chiều sâu. Nếu có thời gian, mình ngồi cả ngày luôn. Mình đã thật hạnh phúc.

Để dành tới gần cuối để kể cho các bạn nghe về bức GRAFFITI PARISIEN nè. Đây là một bức đặc biệt với mình theo nhiều nghĩa. Bạn mình, một người bạn rất đặc biệt, đã share bức tranh này cùng với bài hát ưa thích dạo gần đây của bạn ấy. Cũng chính bạn đó gợi ý mình ghé phòng tranh xem thử, sau khi biết mình thích ngắm tranh. Nên mình đã mang một tâm thế cởi mở khi tiến tới cái bức to khổng lồ đặt ở vị trí trung tâm bức tường này. Thêm nữa, đây cũng là bức mà chị nhân viên thích nhất, khi mình hỏi. Nhờ có chị, mình học thêm về những chi tiết nhỏ nhỏ trong bức tranh, phong cách về màu, về tư duy thần số học, về ý tưởng tri ân những người bạn đã đi cùng tác giả thuở mới bước chân lên con đường nghệ thuật, cũng như thông điệp gửi gắm tới nghệ sĩ ở Việt Nam, tri ân quê hương. Mình đã rất ngạc nhiên khi biết bố của bác Cyril là người Việt (trước đó mình nghĩ là mẹ bác mới là người Việt cơ hì, hơi bị rập khuôn ý tưởng nhỉ, mình sẽ thay đổi ạ). Bác cũng là người được cả hai nhãn hàng Channel và Hermès mời hợp tác trong cùng một năm 2018, một điều rất hiếm thấy. Em cảm ơn chị Ly đã cho em thêm những thông tin bên lề ạ hì.

120118671_152154389902967_5552119967586887655_n
GRAFFITI PARISIEN

Mình được giới thiệu về tác phẩm bình sơn pha lê, nằm trong bộ sưu tập kỷ niệm 110 năm tuổi của hãng Daum sản xuất pha lê hợp tác với Cyril Kongo. Họ có kỹ thuật chế tác pha lê trong mờ, với núm được làm bằng vàng 18k và có dấu vân tay của bác Cyril. Trên thế giới chỉ có 50 bình thôi, mình cảm thấy may mắn vì được xem 2 bình ngay tại Hà Nội. Nhìn xong quay lại bức GRAFFITI PARISIEN vẫn chưa thấy ngấm lắm cái sự tương đồng trong tạo hình bình xịt ở bên trên của bức này hì.

Mình cho rằng Cyril “Kongo” Phan là một nghệ sỹ đa tài. Mình thấy được sự nghiêm túc của bác qua từng tác phẩm khác nhau. Bác đã cố gắng sử dụng rất nhiều kỹ thuật trên tác phẩm của mình, trong đó tác phẩm mình yêu thích nhất (5h47 & KONGO 18 SANS TITRE) được ra đời nhờ sự hợp tác giữa bác Cyril Kongo và nhãn hàng La Cornue. Video có nói rằng sau khi nung trong lò thì màu men thành phẩm không giống với màu men ban đầu. La Cornue là hãng sản xuất bếp lâu đời từ thế kỷ 19 và họ đã thành công trong việc giữ được màu của men sau khi nung. Chà, cảm giác mãn nguyện nhỉ.

Chị Ly nhân viên có nói thêm với mình rằng bác rất vui vì chọn được chất liệu vải lanh Pháp vì đây là chất liệu bền, phù hợp với mong muốn lưu giữ tác phẩm cho thế hệ mai sau của tác giả.

List nhạc phát trong phòng tranh là bác chọn. Những chi tiết nho nhỏ như vậy nhưng lại thể hiện tâm ý của bác biết bao.

Bật mí cho các bạn, mình được bảo rằng tuần tới sẽ có đợt tranh mới. Nhất định mình sẽ quay trở lại bởi mình còn chưa xem hết các video nữa. Háo hức cực kỳ!!!

Thứ 7 tuần trước mình có đi tham dự hội thảo về dịch thuật, trong đó bài nói về cách đánh giá bản dịch của thạc sỹ Ngô Hà Thu làm mình ấn tượng hơn cả. Chị có nói về việc người đọc nên đánh giá một bản dịch theo cách đa chiều, nghĩa là chúng ta có khi nên quan tâm thêm về dịch giả, về việc liệu dịch giả trong lúc dịch đã bị chi phối bởi những yếu tố nào (nói nôm na là cách ăn ngủ với bản dịch), bối cảnh xã hội ra sao. Giữ nguyên tinh thần đó, hôm nay mình có đặt thêm câu hỏi cả về việc vận chuyển tranh từ Pháp về Việt Nam. Bạn biết không, hóa ra bức COCO là được vận chuyển nguyên vẹn từ bên “bển” về đây đó. Còn túi Channel thì phòng tranh đã mua tại showroom. (Mình thích mấy thông tin nho nhỏ như vậy cựccc)

À, đừng ngại ngần đi vài vòng quanh phòng tranh nhé. Mình cam đoan với bạn rằng mỗi lần xem bạn sẽ nhận thấy một chi tiết mới mẻ và hay ho đó. Như mình và bức KONGO 06 SANS TITRE chẳng hạn 😀

120948354_156642382787501_9209194294238176836_o
KONGO 06 SANS TITRE

 

Ngoài người trong nghề thì phòng tranh nhận được rất nhiều sự chú ý từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, vì lí do bản quyền, chúng mình không được chụp ảnh bên trong phòng tranh. Chúng mình cũng phải tôn trọng tác phẩm bằng cách không sờ hay chạm vào tác phẩm nhé. Và đừng quên đeo khẩu trang nữa này.

Mình và chị Ly đã có cuộc nói chuyện thật dài và thỏa thích. Tuy nhiên, mình sẽ không kể hết ra ở đây đâu, lộ bài mất 😀 Phải giữ chút gì cho riêng mình để còn có cái để nói sau chứ, nhỉ?

Đến xem tranh với một tinh thần không nghĩ gì :D, mình đã được làm quen với một phong cách nghệ thuật độc đáo cũng như một loại hình nghệ thuật mới.  Các bạn ơiii, chúng mình cùng đi xem tranh với nhau, nhé? Trời lạnh đi xem tranh là tuyệt nhất đó :3 Mình đợi bạn!

Nguồn thông tin: kongogallery.com
Nguồn ảnh: vtv.vn, Cyril Kongo Vietnam Gallery

119613380_148223860296020_1507680234482316459_o
Hộp giữ ẩm xì gà
121254106_156923246092748_7844726425029882601_o
FASHION WEEK

Leave a comment